Đi họp xưng “em” là dở rồi…

Vào làm tại  Havina, tôi có một khoảnh khắc vo bàn tay mình thành nắm đấm dưới gầm bàn, và làm động tác giật cánh tay thật khẽ “Yes!” Nó giống hệt như cách người ta sung sướng vung nắm đấm vào không khí, khác một chút là tôi vung dưới gầm bàn. Khoảnh khắc đó là khi CEO của tôi tuyên bố trước khi mọi người bắt đầu cuộc họp: “Tất cả nhân viên, không kể chức danh, tuổi tác, thứ bậc, phải xưng TÔI trong lúc trình bày, không được xưng EM.” Tôi cảm thấy rất hào hứng với quy định ấy, cùng với đó là niềm tự hào thầm kín vì tôi đã chọn đúng người dẫn dắt. Một người dẫn dắt coi trọng sự công bằng và minh bạch sẽ tạo ra một môi trường làm việc công bằng và minh bạch.

Ngôn ngữ có sức mạnh, đi kèm với nó là sự nguy hiểm, lớn hơn bạn tưởng rất nhiều. Khi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở High5 Hanoi, lời than phiền phổ biến nhất tôi nhận được là “Sao hệ thống danh xưng trong tiếng Việt nó kinh khủng thế hả Lan?” Tôi thường sẽ dành ra 2 phút để giải thích để người học của tôi hiểu về giá trị văn hóa ẩn chứa phía sau. Sự phức tạp của hệ thống danh xưng trong tiếng Việt chính là tấm gương phản chiếu nét văn hóa phân chia cấp bậc và quyền lực của Việt Nam.

Mỗi danh xưng đều mang theo sức mạnh và quyền lực. Người Việt chúng ta, vì quá quen thuộc, mà không để ý đến.

Có gì ẩn chứa trong ngôn ngữ?

Có một hiện tượng ngôn ngữ học tên là “thick concepts”, nghĩa là mỗi từ ngữ, ngoài định nghĩa mang tính miêu tả (descriptive meaning), đều có chứa những nội dung mang tính đánh giá (evaluative content). Ví dụ: “tôi – anh”, “tôi – cô” sẽ khác với “anh – em”. Bản thân từ “anh” và “em” về bản chất đã gợi về thứ bậc cao thấp và quyền lực khác nhau, điều này xuất phát từ lịch sử ngôn ngữ và tục lệ xã hội (social conventions). Bạn không thể thay đổi nhận thức “ngầm” này một sớm một chiều, và nếu muốn, bạn phải có một cộng đồng đông đảo và cùng ý chí.

Cách xưng hô quyết định vị thế

Tôi thường được nhận xét là có phong thái tự tin hơn khi nói tiếng Anh so với lúc nói tiếng Việt. Bản thân tôi cũng thấy thế. Khi giao tiếp bằng tiếng Anh, tôi là “I” còn bạn là “You”, không có sự phân biệt ngầm nào ở đây cả. Một cô bạn người Nhật của tôi từng nhận xét “Khi Lan nói tiếng Việt thì dễ thương, nhưng lúc nói tiếng Anh thấy đáng sợ lắm!”

Tôi và bạn trai xưng “cậu – tớ”, dù chúng tôi khác biệt về tuổi tác (bạn ấy kém tôi 3 tuổi), dù cả xã hội xưng anh – em, và dù gia đình hai bên lắc đầu ngán ngẩm. Khi đi làm tại Nisai Global School, ngày đầu tiên gặp Hoa – một bạn chuyên viên Marketin kém tôi một tuổi, tôi thỏa thuận luôn: “Một tuổi không quá khác biệt, bọn mình xưng cậu – tớ nhé!” Bản thân tôi hiểu rằng khi xưng chị, tôi có một tâm thế rất khác trong cuộc hội thoại. Điều này sẽ vô tình ảnh hưởng tới sự công bằng và độc lập cần thiết giữa những người đồng nghiệp như chúng tôi. Ngược lại, trong những trường hợp cần áp đặt quyền lực và vị trí, tôi sẽ cố gắng tận dụng cách xưng hô “chị – em” để tạo lợi thế cho mình.

Cũng với lý do đó, khi nhắn tin cho các shop hoặc khi mua sản phẩm/dịch vụ, tôi ở tuổi 26-27 cảm thấy khá khó chịu khi bị gọi là “em”. Ở tuổi 23-25, người ta thấy vui khi bị gọi là “em”, vì người ta vẫn còn nuối tiếc tuổi trẻ. Nhưng sau hai năm trải nghiệm thứ quyền lực vô hình của việc làm “anh chị”, người ta thích thú và không muốn làm “em” của ai nữa. Tôi nói “người ta” để nghe cho triết lý, chứ thực ra đây vẫn là trải nghiệm cá nhân. Tôi chưa có đủ thời gian để nghiên cứu với mẫu lớn. Khi nào tôi làm được khảo sát, tôi sẽ xóa câu vừa rồi đi.

Ở Havina, bạn phải xưng “Tôi” trong cuộc họp

Khi CEO của tôi ban hành quy định không được xưng “em”, tôi cảm thấy rất hào hứng với quy định ấy, cùng với đó là niềm tự hào thầm kín vì tôi đã chọn đúng người dẫn dắt. Một người dẫn dắt coi trọng sự công bằng và minh bạch sẽ tạo ra một môi trường làm việc công bằng và minh bạch.

Nghiên cứu về ngôn ngữ có thể chưa giúp tôi giàu, nhưng chí ít giúp tôi hiểu được ngôn ngữ của chính mình. Hiểu và cẩn trọng với ngôn ngữ mình sử dụng là những bước đầu tiên để làm chủ cuộc hội thoại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *