Làm sao để biết mình thích viết content?

Có một bạn trẻ mới bắt đầu viết content có hỏi tôi câu này “Làm sao để em biết mình thích viết content?” Tôi nhớ thầy Nhượng từng kể cho tôi một câu chuyện về Bác trong một chuyến đến thăm và nói chuyện với lớp đào tạo cán bộ Tư pháp. Tại đây có người hỏi Bác: “Làm thế nào để Tư pháp gần được dân?”. Bác trả lời: “Muốn gần dân thì đừng xa dân!”. Tôi chọn cách giải thích tương tự, bạn thích viết content khi bạn không ghét viết content.

Thế nào là “ghét viết content”?

Là lúc viết không muốn tìm hiểu, viết xong không muốn sửa, sửa xong không bao giờ đọc lại. Nếu không vì tiền thì sẽ không viết – đó là “ghét viết content”.

Tôi viết content nhiều, có những bài hay, có những bài dở. Thi thoảng tôi có bài được nhiều người khen. Đó là những bài tôi viết cả buổi chiều, là những suy nghĩ cứ xuất hiện trong đầu tôi nhiều ngày liền, hoặc là một ý tưởng lóe lên lúc 1 giờ sáng và tôi phải ngồi dậy viết hết ra, tới 3 giờ mới thoải mái mà đi ngủ. Tuy nhiên, tôi cũng có những bài viết mà quản lý của tôi kêu “Sao văn em thối thế!”. Đó là những bài tôi ép mình phải viết, viết rồi đăng lên, không thiết nhìn lại.

Điều gì làm content “sâu”?

Kiến thức về nghề viết rất quan trọng, nhưng kiến thức về ngành còn quan trọng hơn. Biết cách đặt tiêu đề viral, biết cách viết Call To Action, biết cách seeding sẽ giúp bạn nhận được lương từ sếp. Còn biết các chủ trương giáo dục, xu thế đào tạo, nỗi đau của phụ huynh và học sinh sẽ giúp bạn mang được tiền về cho sếp. CEO của Havina dạy chúng tôi rằng: Mình làm giáo dục, thì content của mình cũng phải để giáo dục. Muốn làm được như thế thì bản thân người viết phải hiểu hơn ai hết về công ty, về sản phẩm, về đào tạo, về học sinh và về phụ huynh.

Muốn viết cho người ta quan tâm tới đối tượng thì bản thân mình phải yêu đối tượng trước. Nếu bạn ghét đi học, bạn không thể viết được content bán khóa học. Nếu bạn ghét du lịch, bạn không thể viết được content bán tour. Nếu bạn ghét công ty, bạn không thể viết được content tuyển dụng.

Tôi đã trả lời như vậy với bạn trẻ đặt câu hỏi. Bạn ấy cảm ơn tôi và quyết định giữ nghề, đổi ngành. Âu cũng là cái duyên, lỡ mất một người không hợp vẫn tốt hơn nhiều lừa người ta rằng họ hợp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *