Làm trái ngành vẫn được một mức lương cao là vì sao?

Lúc mới học xong năm ba đại học, tôi được một công ty mời về với mức lương 9 triệu cho vị trí Content writer. Lúc đó tôi không biết gì về Marketing, càng không biết viết content là cái gì (tôi học chuyên ngành nghiên cứu ngôn ngữ). Mức lương 9 triệu vào thời điểm đó không thấp, đến bây giờ cũng không phải là thấp. Nên tôi đã hỏi thẳng sếp tại sao lại offer cao thế. Sếp bảo vì tôi có 3 thứ: một là có ngoại ngữ, hai là có trải nghiệm quốc tế, và ba là sếp tin tôi có thể học được để làm ở vị trí đó.

Ba thứ ấy, tôi đều có được từ những năm tháng mài đũng quần trên giảng đường ĐH Ngoại ngữ. Tiếng Anh là trường đào tạo, đi du học cũng là trường cho cơ hội, tư duy học không ngừng cũng là trường vun đắp cho tôi. Tôi luôn biết ơn những năm tháng học đại học vì những thứ đó. Tuy nhiên, tôi làm trái ngành, nên Havina và các doanh nghiệp từng tuyển tôi về mất khá nhiều chi phí để nuôi tôi ăn học, bù đắp lỗ hổng về chuyên môn.

Tôi có quen một cô em gái học BUV chuyên ngành Tổ chức sự kiện. Ra trường em ấy được một ngân hàng lớn mới về cho vị trí UXUI, mức lương gần 30 triệu/tháng. Thành tích của em ấy rất đáng nể, nhưng điều khác biệt nhất của em ấy là năng lực tự học. Em ấy tự học thiết kế và tự học rất nhiều thứ khác. Thầy tôi từng dạy “Kỹ năng tự học là kỹ năng vua.” Ở thời điểm hiện nay, với sự thay đổi chóng mặt của tất cả mọi thứ, ai có thể tự học và có kỹ năng học trọn đời (lifelong learning) người đó sẽ thích ứng nhanh nhất và nắm bắt cơ hội dễ dàng nhất.

Người sếp offer 9 triệu cho tôi làm content writer năm đó, vô tình thế nào lại là anh họ tôi. Nhưng kể ra chuyện máu mủ ruột rà đó ngay từ đầu thì câu chuyện cổ tích của tôi mất hay, nên giờ tôi không nói.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *