Nhân viên mệt mỏi thì sếp có nên cho về nhà?

Trên FB tôi hôm trước có một anh bạn ở bên Úc đăng bài thế này: Công ty anh ấy có 1 thông báo với nội dung “Nếu mệt quá, bạn cứ về nhà nghỉ nhé!” Họ dán nó vào mặt trong cửa nhà vệ sinh. Bởi vì khi đi làm, nếu quá căng thẳng và mệt mỏi, người ta hay chạy vào nhà vệ sinh để khóc. Công ty ấy cũng dán thông báo đó trên sàn nhà, ngay trước cửa ra vào của công ty. Bởi vì khi đến chỗ làm, nếu quá căng thẳng và mệt mỏi, người ta hay cúi gằm mặt xuống đất.

Có thể bạn thấy điều này rất tuyệt vời, cho rằng đó là một sự hy sinh của doanh nghiệp dành cho nhân viên. Kỳ thực, điều đó cũng rất có lợi cho doanh nghiệp. Cảm xúc tiêu cực rất dễ lây lan, bằng cách này hay cách khác. Nếu cố ép một người không còn tâm trí nào đi làm, họ rất dễ khiến cả một văn phòng trở nên u ám, dù muốn hay không.

Hôm qua tôi nghe bạn tôi kể, cuộc sống của bạn ấy quá áp lực, bạn mang một bộ mặt rầu rĩ đến công ty. Sếp bạn bảo: “Nếu em cứ giữ bộ mặt như thế, thì tốt nhất đừng bước vào phòng, ảnh hưởng tới người khác.” Bạn tôi lủi thủi đi ra khỏi phòng làm việc, ngồi một mình ở một góc. Cũng là tách một người buồn ra khỏi những người không buồn, nhưng nó lạ lắm.

Tôi may mắn hơn. Có một lần đang báo cáo với sếp trong phòng, tôi òa khóc. Sếp tôi ngồi yên, đợi tôi khóc. Rồi sếp bảo tôi ngồi đây khóc cho xong, không cần vội ra ngoài. Một lúc sau, sếp mở mấy cái vớ vẩn linh tinh vui vui trên máy tính cho tôi xem. Sếp tôi cũng chẳng giải quyết được nỗi buồn của tôi, nhưng sếp không khiến tôi thấy tội lỗi về nỗi buồn của mình.

Ngoài công việc, chúng ta còn gánh vác rất nhiều nỗi buồn từ cuộc sống riêng. Nếu đang làm thuê, mong bạn gặp một người chủ dịu dàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *