Sản phẩm của Facebook là gì? Chính là bạn.

Mọi người đã bao giờ đặt câu hỏi là mình không mất tiền cho Facebook thì Facebook lấy đâu ra tiền không? Cái web trường mỗi lần đăng ký tín chỉ là lại sập, thế mà nền tảng Facebook có thể phục vụ cả thế giới cùng lúc như thế, tiền đâu ra mà làm nhỉ?

Nếu bạn không phải trả tiền cho sản phẩm, thì bạn chính là sản phẩm.

Facebook kiếm tiền như thế nào?

Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản thế này: “Google chỉ là công cụ tìm kiếm, còn Facebook là nơi để mình kết nối với người khác: xem hôm nay bạn bè mình thế nào, đăng ảnh gì, mấy cái page có tin gì hay không.” Nhưng tất cả những nền tảng này đang tranh nhau để có được sự chú ý của người dùng. Để làm gì? Để kiếm tiền từ sự chú ý đó.

Người đứng sau những page muốn chạy quảng cáo, chúng ta gọi là nhà quảng cáo. Khách hàng của Facebook là các nhà quảng cáo, sản phẩm của Facebook là sự chú ý của chúng ta. Nhà quảng cáo trả tiền cho Facebook để Facebook hiển thị nội dung quảng cáo tới chúng ta. Sự chú ý của ta đã va phải cái quảng cáo của nàng. Cuộc sống mà các em. Ở đời làm gì có ai cho không ai cái gì.

Cũng có một số người hiểu lầm là Facebook bán data của chúng ta. Không nha. Bán đi thì lấy gì mà ăn. Thế họ dùng dữ liệu của chúng ta để làm gì, để xây dựng các mô hình tiên đoán hành động của ta. Nên nếu chúng ta không vào Facebook khoảng 1 tuần, khi vào lại thấy toàn tin tức của bạn bè, người thân, ít quảng cáo hẳn. Một ví dụ dễ hiểu hơn: Facebook sử dụng data của chúng ta để hiển thị quảng cáo một cách hiệu quả. Ví dụ Facebook hiển thị quảng cáo của tôi tới 100 người, có 1 người inbox, 2 người comment, 1 người share. Thì tôi sẽ chỉ được tiếp xúc với 4 người có tương tác thôi. Chứ tôi không bao giờ biết được 100 người nhìn thấy quảng cáo là những ai.

Facebook khiến chúng ta trở thành con nghiện

Vậy để sử dụng người dùng như một món hàng thì Facebook phải làm gì? Phải khiến chúng ta nghiện – tức là dùng càng nhiều càng tốt. Có 2 lý do chính tại sao Facebook muốn chúng ta dành nhiều thời gian cho Facebook:

Thứ nhất là để điều tra thông tin người dùng. Các em dừng lại ở 1 video bao lâu, nhìn 1 cái ảnh bao lâu, các em hay tương tác với những nội dung nào, các em quan tâm cái gì, quan tâm ai. Người ta chỉ trả tiền quảng cáo nếu nó hiệu quả thôi, muốn hiệu quả thì phải hiển thị đúng người. Muốn đúng người thì phải thu thập càng nhiều dữ liệu về các em càng tốt.

Thứ hai là để tăng khả năng hiển thị quảng cáo tới chúng ta. Chúng ta lướt Facebook càng lâu thì cơ hội hiển thị quảng cáo trước mắt chúng ta càng cao. Hãy thử so sánh các nền tảng xã hội với một cái xe đạp – 2 công cụ phục vụ cuộc sống của chúng ta nhé. Nhà sản xuất xe đạp họ không đặt mục tiêu là khách hàng ngày nào cũng phải đạp xe, càng nhiều càng tốt, họ không cố gắng để chúng ta nghiện đạp xe. Nhưng mạng xã hội thì khác – chúng ta phải nghiện thì họ mới làm ra nhiều tiền.

Có hai ngành công nghiệp gọi khách hàng là người dùng: Mua bán ma túy bất hợp pháp và Phần mềm.

Nhu cầu sinh học cơ bản của con người là kết nối với người khác. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải phóng dopamine gây hưng phấn. Cơ chế này giúp con người tiến hóa theo hướng đến với nhau, làm bạn, làm người yêu, là 1 phần của cộng đồng. Mạng xã hội được sinh ra với sứ mệnh đó, nên về bản chất là nó sẽ gây nghiện.

Ngoài ra, để đẩy nhanh quá trình nghiện ngập đó, những nhà tâm lý học sẽ tham gia vào đội ngũ phát triển nền tảng. Facebook có một chức danh là Like Button Creator đấy – và đó thực sự là một phát kiến rất lớn. Nút like trên Facebook, giúp người ta bày tỏ ý kiến – đó là một nhu cầu của con người. Hiển thị số like và comment của một bài post, giúp người ta khẳng định bản thân. Nút báo số thông báo mới, hoặc số tin nhắn mới. Mỗi lần có thông báo mới là não sẽ tiết ra dopamine. Chúng ta hay có thói quen check Facebook liên tục, vì chúng ta lên cơn thèm dopamine đó.

Gần đây thì Facebook còn có thêm thông báo “Ai đó đang bình luận”, thêm hình dấu 3 chấm chạy liên tục nữa. Khi chúng ta nhìn thấy nó thì chắc chắn chúng ta sẽ ở lại Facebook để đợi xem người ta comment cái gì, chứ không tắt app đâu, đúng không? Một chiêu rất hay để giữ mình ở lại nền tảng.

Cuộc chiến về thuật toán

Facebook dùng data người dùng để xây dựng các mô hình tiên đoán hành động của chúng ta. Nếu chỉ dựa vào yếu tố như nút like, comment, vân vân, thì một nền tảng khác hoàn toàn có thể sao chép được Facebook. Cốt lõi của việc gây nghiện là các thuật toán. Cuộc chiến xem nền tảng nào được người dùng nghiện hơn chính là cuộc chiến của công nghệ xử lý dữ liệu. Nếu bạn xem video, Facebook sẽ tính toán xem video nào sẽ phù hợp với tính cách của bạn, cảm xúc hiện tại của bạn, để hiển thị cho bạn xem.

Các nền tảng cũng đang vươn lên bằng những thuật toán được xây dựng bởi đội ngũ không chỉ gồm những nhà phân tích dữ liệu, công nghệ thông tin, mà còn cả những nhà tâm lý học.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *