Thuyết gắn bó lo âu – Tại sao khi yêu bạn trở nên bất an?

Năm 19 tuổi, tôi viết về mình trong cuốn nhật ký như thế này:

“Khi yêu, sư tử rũ bỏ cái lốt kiêu sa, hiện nguyên hình một con mèo phiền phức. Dù anh muốn một sư tử quyến rũ như trước, nó cũng không thể quay lại. Tình yêu làm sư tử mất đi sự mạnh mẽ, thông minh, kiêu kỳ và can đảm.”

Những dòng nhật ký ấy đại loại có thể hiểu là tôi yêu vào là trở nên tự ti, nhút nhát, ghen tuông. Ngày đó tôi tưởng thế là hay. Tôi còn nghĩ cô gái nào cũng vậy. Sau này tôi mới biết tôi có vấn đề về tâm lý.

Trước năm 23 tuổi, tôi sống mà ít khi nhìn lại. Nên dù trải qua gần chục mối tình có kết cục y chang nhau, tôi không biết mình đang lặp đi lặp lại. Hồi đó trông tôi cũng cá tính, hay hay. Tôi thường có những câu đùa bậy bạ kiểu “Thôi em không uống được, cứ uống vào là chân em lại dạng ra!” Thế là một vài người hứng thú. Tôi bắt đầu một mối quan hệ khá dễ dàng. Nhưng định mệnh, cuộc tình nào cũng kết thúc trong nước mắt – tôi nghĩ rồi người ta sẽ bỏ tôi thôi, sau đó người ta bỏ tôi thật. Ơ!

Năm 2016 tí nữa thì tôi về chầu ông bà. Bạn người yêu chia tay tôi sau một thời gian gắn bó, tôi trầm cảm, viết di chúc và nghiên cứu xem chết cách gì nhanh gọn nhẹ mà đỡ tốn kém. Trộm vía cách nào cũng tốn nhiều tiền, mà tôi cũng ở mức chán đời thôi chứ chưa thích chết. Tôi sống lay lắt như một con ma cô, cày phim và google “Sao yêu vào tôi lại trở nên phiền phức như vậy?”.

Thế mà tôi lại tìm được câu trả lời khoa học vô cùng: THUYẾT GẮN BÓ – ATTACHMENT STYLE.

Thuyết gắn bó khởi nguồn từ những năm 1950, làm rõ mối quan hệ giữa cách hành xử của trẻ con trong quan hệ với bố mẹ và cách hành động trong các mối quan hệ xã hội khi đứa trẻ trưởng thành, đặc biệt là trong quan hệ yêu đương. Hành vi gắn bó được nhà tâm lý học người Anh John Bowlby mô tả là “bản tính gắn kết lâu dài về mặt tâm lý của loài người”.

Theo thuyết gắn bó, có 4 kiểu gắn bó: An toàn (secure), Lo âu (anxious), Né tránh (avoidant), và Lo âu – né tránh (anxious – avoidant).

Kiểu của tôi là kiểu LO ÂU (ANXIOUS).

Tôi sẽ trình bày một cách dễ hiểu nhất về kiểu gắn bó lo âu. Những kiểu gắn bó khác bạn có thể đọc thêm ở các đường link cuối bài.   

Kiểu gắn bó LO ÂU hình thành như thế nào?

Khi còn là trẻ sơ sinh, đứa trẻ không đủ sức làm bất kì điều gì và hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ. Khi bố mẹ đáp ứng các nhu cầu về sinh tồn và tình cảm của đứa trẻ, thường thì kiểu gắn bó AN TOÀN sẽ được hình thành, đứa trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh về thể chất và cả tinh thần. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này kiểm soát cảm xúc tốt, tự tin vào giá trị bản thân và tự do khám phá thế giới xung quanh, tin tưởng và yêu thương người khác.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các nhu cầu của đứa trẻ không được bố mẹ đáp ứng. Ví dụ, người mẹ không xuất hiện khi đứa bé sợ hãi, không cho ăn khi đứa bé đói và khát, hoặc người mẹ ép đứa trẻ nô đùa với mình khi nó không muốn. Việc đó khiến trong tiềm thức đứa trẻ hình thành niềm tin rằng mình không xứng đáng được quan tâm và yêu thương. Niềm tin trong tiềm thức đó sẽ theo đứa trẻ đến khi trưởng thành. Họ có kiểu gắn bó LO ÂU.

Bất kì khi nào gặp một dấu hiệu dù rất nhỏ (ví dụ bạn trai không trả lời tin nhắn, gọi điện không bắt máy, đang đi chơi vui vẻ với người khác) niềm tin đó được khơi dậy và củng cố, khiến người có kiểu lo âu trở nên bồn chồn và đau khổ. Những người này khi không ở gần người yêu thì không thể tập trung vào các công việc khác được. Cùng với đó là cảm giác nhớ nhung, bồn chồn, và tìm mọi cơ hội để giữ liên lạc với họ (nhắn tin, gọi điện, thậm chí gửi email).

Khi còn là một đứa trẻ, sự bỏ bê của người mẹ (hoặc mồ côi mẹ) khiến đứa trẻ rất nhạy cảm và phản ứng rất mạnh với việc xa mẹ. Chúng gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc khi bị tách ra khỏi mẹ. Nhưng ngay khi người mẹ trở lại, đứa trẻ ngay lập tức bình tĩnh và vui vẻ trở lại.

Khi lớn lên, họ cũng hành động tương tự: chỉ cần nhận được phản hồi, sẽ ngay lập tức bình tĩnh lại. Vì lúc nào cũng muốn được yêu thương nên người lo âu  rất dễ thích người khác, thường kỳ vọng rất nhiều dù với những người mới quen. Và yêu xa thực sự là địa ngục.

Một người lo âu cảm thấy rất khó để tìm được một tình cảm lâu bền, vì chưa bao giờ trải qua. Vì vậy, cùng với cảm xúc ngưỡng mộ với các tình yêu lâu dài là cảm giác đau khổ và thương thân. Dù trong thâm tâm luôn khao khát một tình yêu chân thành nhưng họ thường chọn thích những người mà họ nghĩ là ngoài tầm với. Càng trải qua nhiều mối quan hệ đổ vỡ họ càng tin rằng sẽ không ai muốn ở lại với họ.

Người LO ÂU hành động như thế nào?

Khi nhu cầu không được đáp ứng đầy đủ, người lo âu như chúng ta sẽ hình thành hai chiều hướng đối ngược nhau, với chung mục đích là để tìm lại cảm giác an tâm rằng mình được chăm sóc và bảo vệ.

Một là khóc lóc, dỗi hờn để có được sự chú ý và dỗ dành. Khi lớn lên, cách xử sự và tâm lý lo sợ đó sẽ tiếp tục điều khiển cách hành xử trong các mối quan hệ khác. Ví dụ: dễ tổn thương, ghen tuông vô cớ, thậm chí cố tình khiến người yêu ghen với mong muốn nhận được sự đảm bảo liên tục rằng mình được yêu thương.

Hai là kìm nén và giấu đi sự giận dữ vì nối lo sợ bị bỏ rơi. Để đảm bảo mình được yêu thương, đứa trẻ có thể không dám vòi vĩnh vì nghĩ như thế sẽ khiến bố mẹ không thương mình nữa. Khi lớn lên cách hành xử đó được duy trì. Ví dụ: người lo âu nhìn thấy bạn trai mình thân thiết với một cô gái khác nhưng không dám thể hiện ra, sau đó sẽ khóc một mình vì sợ bạn trai nghĩ mình ích kỉ. Tuy nhiên, họ có thể sẽ giận dữ một cách quá đáng, thậm chí òa khóc chỉ vì bạn trai mình quên mang đồ cho mình. Sự giận dữ vì quên đồ thực ra là sự giận dữ và đau khổ từ việc bạn trai mình thân thiết với người khác. Biểu hiện này được gọi là Rối loạn kiểm soát sự giận dữ (anger disorder.)

Trong tất cả các kiểu gắn bó thì người có kiểu gắn bó Lo Âu là người muốn thoát ra và muốn thay đổi nhất (trộm vía!) vì họ nhận thức được kiểu gắn bó đó ảnh hưởng rất tồi tệ đến chất lượng đời sống tinh thần của mình.

Cách kiểm soát sự LO ÂU

ĐỢI. Bạn phải bắt mình đợi.

Là một người có kiểu gắn bó lo âu, chúng ta luôn phải trải qua một đợt tác động rất mạnh của 1 lượng lớn hormone Adrenaline trước khi chúng ta có thể đưa ra những suy nghĩ đúng đắn. Adrenaline là loại hormone được tiết ra khi cơ thể gặp tình huống nguy hiểm, gây tâm lý hoảng loạn và gấp rút, giúp thúc đẩy hành động nhanh chóng và ngay lập tức để loại bỏ nguy hiểm. Vì vậy, khi rơi vào trạng thái mất kiểm soát cảm xúc, hãy đợi khoảng 30 phút trước khi hành động nhắn tin, gọi điện, trách móc.

Luôn nhớ rằng khi cảm xúc mạnh thì không nghĩ đúng đắn được. Điều này có thể rất khó nhưng nếu luyện được thói quen luôn tự nhủ trong đầu điều này, thì sẽ giúp người ta không làm các tình huống bình thường trở nên tồi tệ.

TRẤN AN BẢN THÂN

Cố gắng trấn an bản thân “Không có chuyện gì phải cứu chữa cả. Ngưng tưởng tượng và kiên nhẫn chờ đợi người đó liên lạc lại trước khi suy đoán bất kì điều gì tồi tệ.”

PHÂN TÁN TƯ TƯỞNG

Phân tán tư tưởng bằng cách gặp người khác, làm việc khác.

XEM PHIM ÍT THÔI!

Những người lo âu có một trung tâm phát hiện hiểm nguy rất nhạy cảm. Tức là chúng ta cực kỳ dễ xúc động với các trường hợp tương tự (như trên phim hay trong truyện.) Do đó, cần tránh xa các thể loại phim tình cảm đau khổ và truyện ngôn tình.

Ở BÊN NGƯỜI PHÙ HỢP

Một điều quan trọng là người lo âu thường xem những biểu hiện bình thường trên mặt người khác là dấu hiệu đáng lo âu. Não bộ của người lo âu thường đọc những biểu hiện trung tính của người khác theo chiều hướng rằng người đó sẽ không ở bên mình và sẽ bỏ rơi mình. Khi người lo âu mất kiểm soát cảm xúc, bạn bè và người thân của người lo âu nên biết được điều đó và KHÔNG NÊN chọn cách im lặng khi muốn người lo âu bình tĩnh lại. Vì như thế sẽ có tác động tiêu cực lên tâm lý người lo âu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *