Tư duy cố định – Chỉ con rùa chậm chạp mới cần nỗ lực?
Chuyện là thỏ và rùa chạy đua. Nhưng thỏ vì mải đuổi theo con bướm nên đã thua. Rùa đã chiến thắng cuộc thi vì cũng có bỏ công ra tập luyện. Đây là một câu chuyện giàu ý nghĩa nhằm tôn vinh sự nỗ lực. Chúng ta vẫn thường dạy trẻ con là phải cố gắng như con rùa thì mới thành công. Có một vấn đề thế này: Nếu thỏ không mải đuổi theo con bướm, liệu rùa có cơ hội thắng không? Gần như là không thể thắng được. Vậy thì chúng ta có thực sự muốn con mình trở thành một con rùa nỗ lực không?
Nếu được chọn, bạn muốn trở thành con rùa kém cỏi nhưng nỗ lực, hay trở thành con thỏ tài giỏi nhưng đỡ ngốc nghếch hơn?
Nỗ lực là một điều tuyệt vời, tuy nhiên, cách chúng ta tư duy về nỗ lực, dạy về nỗ lực, nhiều khi lại không tốt. Như câu chuyện trên chẳng hạn, chúng ta gán nỗ lực vào những kẻ không có năng khiếu bẩm sinh, như kiểu rùa thì không thể chạy nhanh được. Câu chuyện thỏ và rùa còn tai hại một điểm nữa: Nó vô tình ám chỉ một thế giới có 2 loại người: Một là loại người có năng lực, không cần cố gắng, hai là loại người không có năng lực, phải cố gắng rất nhiều, thi thoảng sẽ ăn may, vì loại năng lực mải đi bắt bướm. Chúng ta được nghe rất nhiều câu chuyện mà ai đó được gọi là thiên tài. Trong những câu chuyện đó, người đưa tin thường tập trung vào những biểu hiện xuất chúng ngay từ nhỏ. Họ bỏ qua quá trình rèn luyện gian khổ của một người từ nhỏ cho đến khi người đó được công nhận là thiên tài. Đây là một biểu hiện của tư duy cố định, trái ngược với tư duy phát triển. Với tư duy cố định, người ta tin rằng tài năng là một yếu tố có sẵn, người có, người không. Tư duy này khiến chúng ta tin rằng biểu hiện tại một thời điểm của ai đó là bản chất của họ trong cả cuộc đời.